Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ tư về Lâm nghiệp

Nhận lời mời của Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ tư về Lâm nghiệp trong hai ngày 30-31/10/2017 tại Seoul, Hàn Quốc. Tham dự hội nghị có 6 Bộ trưởng và Thứ trưởng, 3 đại sứ, 12 lãnh đạo cấp Tổng cục và Cục phụ trách lâm nghiệp của 21 nền kinh tế APEC. Tham dự hội nghị còn có Tổng Giám đốc Ban thư ký APEC, lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức gỗ nhiệt đới (ITTO) và Mạng lưới vùng Châu Á- Thái Bình Dương về phục hồi và phát triển rừng (APFNet).

Lâm nghiệp (gọi tắt là MMRF4) được tổ chức trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC sẽ đươc tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 6-11/11/2017 nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của rừng trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như chủ đề năm APEC 2017 của Việt Nam đã đưa ra là “Động lực cho tăng trưởng và liên kết khu vực”.

Một trong nội dung quan trọng của Hội nghị MMRF4 là các nền kinh tế APEC thảo luận và xem xét đến các biện pháp, nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng độ che phủ của rừng trong khu vực APEC lên ít nhất 20 triệu ha vào năm 2020 như tuyên bố Sydney của các nhà lãnh đạo APEC 2007 đã đề ra. Theo báo cáo đánh giá tài nguyên rừng trong khối APEC, giai đoạn 2007-2015 cả khối APEC đã tăng được 15,4 triệu ha rừng, đạt 77% mục tiêu để ra, trong đó 5 nền kinh tế đứng đầu trong nỗ lực tăng độ che phủ rừng là Trung Quốc, Mỹ, Nga, Chile và Việt Nam. Hội nghị đã cùng nhận diện và phân tích thách thức mới sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tăng độ che phủ rừng trong khu vực như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng ví dụ như cháy rừng đã phá hủy hơn 600.000 ha rừng của Chile chỉ trong 3 tuần trong mùa hè vừa qua.

          Lần đầu tiên Hội nghị MMRF4 đã đưa ra định hướng mới cho các nền kinh tế APEC về các biện pháp chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, đó là cùng với việc tăng cường thực thi lâm luật để hạn chế nạn khai thác rừng tự nhiên bất hợp pháp thì các nền kinh tế nên tập trung nỗ lực để phát triển rừng trồng có chất lượng nhằm thay thế nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng tự nhiên. Theo đánh giá của Tổ chức gỗ nhiệt đới (ITTO) khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là khu vực thiếu hụt nguyên liệu gỗ nhiều nhất trên thế giới vào năm 2040.

Tại Hội nghị MMRF4, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phục hồi và phát triển và nâng cao độ che phủ rừng. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đã nhấn mạnh: “Trong những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã nỗ lực ngăn chặn phá rừng, phục hồi, trồng mới và nâng cao độ che phủ rừng, từ 33,3% năm 2010 lên 41,2% vào năm 2016. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực phát triển ngành lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị,  từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cấu trúc ngành lâm nghiệp và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 trong đó mục tiêu quan trọng là tiếp tục nâng độ che phủ rừng lên 43% vào năm 2020, đồng thời thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng và giá trị đa dạng sinh học của rừng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực thi Chương trình REDD+ quốc gia để tạo nguồn thu từ bán quyền giảm phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên”.

Kết thúc hội nghị các Bộ trưởng, các nhà lãnh đạo phụ trách lâm nghiệp của 21 nền kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố Seoul với 8 nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được mục tiêu tăng 20 triệu ha rừng vào năm 2020 và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp trong khối các nền kinh tế APEC.

Bên lề hội nghị MMRF4, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn đã có buổi họp song phương với đoàn Trung Quốc và Nga để thảo luận các hoạt động nhằm hiện thực hóa Biên bản thỏa thuận (MOU) hợp tác lâm nghiệp giữa Việt Nam và Trung quốc được ký vào năm 2015 tại Nanning, Trung Quốc, đồng thời chuẩn bị Bản thỏa thuận hợp tác về lâm nghiệp giữa Việt Nam và Nga dự  kiến sẽ được ký vào năm 2018./.